Đã có trẻ bị sốc sốt xuất huyết: Hãy đưa trẻ vào viện kể cả trong đêm nếu có các dấu hiệu sau

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 14.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 6 trường hợp tử vong. Một số trẻ em nhập viện sốc sốt xuất huyết kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng… Phụ huynh hãy đưa trẻ vào viện kể cả trong đêm nếu có một trong các dấu hiệu sau…

Đã ghi nhận trẻ sốc sốt xuất huyết kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng

BSCKII Nguyễn Minh Tiến – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cho biết tuần qua, Khoa cấp cứu của Bệnh viện tiếp nhận hai bệnh nhi (đều 12 tuổi) bị sốc sốt xuất huyết Dengue kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng.

Các bác sĩ đã chỉ định cho trẻ được điều trị tiếp tục truyền dịch cao phân tử chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, điều chỉnh rối loạn đông máu. Kết quả qua hơn 1 tuần điều trị, đến nay tình trạng các trẻ cải thiện dần, tỉnh táo, thở khí trời.

Đã có trẻ bị sốc sốt xuất huyết: Hãy đưa trẻ vào viện kể cả trong đêm nếu có các dấu hiệu sau - Ảnh 1.

Một trong hai bệnh nhi bj sốc xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Ảnh: Website bệnh viện

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, tính đến giữa tháng 4/2022, TP HCM đã ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Thậm chí một số ca nặng trong tình trạng sốc, tổn thương đa cơ quan phải thở máy, lọc máu, nhất là ở trẻ em… Đáng lo ngại, tỷ lệ trẻ mắc sốt xuất huyết trở nặng cao hơn COVID-19 và thời gian từ nhẹ chuyển sang nặng rất nhanh.

Năm 2019, sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc, số ca bệnh nặng cũng chỉ 38 ca. Dự báo năm nay dịch sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp tại TP HCM khi cả số mắc và số ca nặng cao hơn các năm gần đây, đặc biệt là sau 2 năm thành phố dồn toàn lực cho chống dịch COVID-19.

Tại một số tỉnh, thành phố, dịch sốt xuất huyết cũng đang có xu hướng lan rộng như: Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai, An Giang, Quảng Bình… Bộ Y tế mới đây cho biết theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 14.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại Bình Dương (3), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1). So với cùng kỳ năm 2021 số mắc giảm nhẹ, tuy nhiên số tử vong tăng 1 trường hợp.

Khi trẻ sốt, phụ huynh luôn nghĩ bé có thể mắc cả sốt xuất huyết chứ không chỉ lo mắc COVID-19

Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới số mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào mùa dịch. Do đó, để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đã gửi văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (15/6/2022) và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch và phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Các địa phương tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng chống COVID-19 và các hoạt động khác để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi lăng quăng bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quả tải bệnh viện.

Trước nguy cơ bùng phát mạnh của dịch sốt xuất huyết, các chuyên gia cảnh báo, người dân không lơ là phòng dịch. Nhất là đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm là điều kiện lý tưởng để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Đặc biệt, sốt xuất huyết và COVID-19 rất dễ nhầm lẫn với nhau khi đều có các biểu hiện ban đầu như: Sốt, đau đầu, đau mỏi cơ… vì vậy người dân phải cẩn trọng, không chủ quan.

BSCKII Nguyễn Minh Tiến lưu ý người dân không được chủ quan, đưa trẻ đến nhập viện muộn, mà phải luôn nghĩ đến trẻ có thể mắc sốt xuất huyết khi sốt chứ không phải chỉ lo trẻ mắc COVID-19 hay bệnh khác. Phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời. Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện, ngay cả trong đêm:

  • Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì
  • Đau bụng
  • Chảy máu cam, máu răng hoặc nôn ra máu,
  • Đi ngoài phân đen
  • Tay chân lạnh
  • Nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống

Cùng với dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế cũng lo ngại vào thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam, sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt… là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, viêm não do vi rút, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản… thường có số mắc cao và có thể bùng phát thành dịch lớn. Do đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương quyết liệt phòng chống dịch bệnh mùa hè; Kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng…

Theo SK&ĐS