Dự phòng ung thư bằng 6 bước đơn giản

Ung thư là một trong những căn bệnh khiến nhiều người hoang mang lo lắng khi nhận được kết luận của các bác sĩ. Cùng với bệnh lý tim mạch, căn bệnh ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Ung thư – sự phát triển, di căn và lo sợ của con người

Thông thường cơ thể khỏe mạnh sẽ có các tế bào được tạo ra từ sự phát triển, phân chia nhằm duy trì các hoạt động hàng ngày của cơ thể. Theo đó, mỗi loại tế bào có loại mới được sinh ra thay thế cho các tế bào già cỗi, hoặc tế bào bị hư tổn khi chúng chết đi.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó có thể là những biến đổi hoặc sự đột biến DNA trong tế bào sẽ làm phá vỡ quá trình bình thường ở trên, dẫn đến sự phát triển không đúng trình tự các tế bào.

Các nhà khoa học giải thích gắng, DNA tồn tại trong các gen riêng lẻ của mỗi tế bào, với nhiệm vụ định hướng cho tế bào thực hiện đúng chức năng, phát triển và cả sự phân chia tế bào. Đa số các đột biến DNA được tế bào sửa chữa nhưng một khi có một lỗi nào đó không sửa chữa được, tế bào có thể sẽ bị ung thư hóa. Nếu tế bào ung thư phát triển quá mức và không kiểm soát dẫn tới hình thành các khối u. Và tùy thuộc vào vị trí khối u mà có thể gây ra những mức độ ảnh hưởng khác nhau cho cơ thể.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, không phải tất cả các khối u đều là ung thư mà có những khối u lành tính, không xâm lấn và lan ra các mô cơ quan khác thì không gọi là ung thư. Dù vậy, ngay cả khối u lành tính nếu phát triển to quá mức chèn ép vào các cơ quan lân cận sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đối với khối u ác tính được gọi là ung thư có đặc trưng xâm lấn và di căn xa. Khi đó các tế bào ung thư có thể di căn xa, khó điều trị và có tiên lượng xấu.

Cần hiểu được các yếu tố nguy cơ của ung thư và các bước dự phòng

Muốn dự phòng được ung thư thì việc đầu tiên chúng ta cần hiểu được các yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này.

Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây nên ung thư. Trong đó nguyên nhân trực tiếp của ung thư là những biến đổi, hay đột biến tại các DNA bên trong tế bào. Người ta đã tìm thấy các đột biến gen này có thể được di truyền bẩm sinh và chúng cũng có thể xuất hiện trong quá trình sinh sống do tác động của môi trường.

Nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng một số các yếu tố nguy cơ gây ung thư có thể là: Phơi nhiễm với hóa chất gây ung thư; Phơi nhiễm với bức xạ; Phơi nhiễm với ánh nắng mặt trời.

Một số loại virus, ví dụ như virus u nhú ở người (HPV), người hút thuốc lá cũng như người có lối sống, chế độ ăn kém lành mạnh, ít hoạt động thể chất… cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ung thư. Một số tình trạng viêm nhiễm sẵn có cũng có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư. Chính vì vậy, để giảm được nguy cơ ung thư, chúng ta biết điều chỉnh và thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học.

Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ ung thư.

Để thực hiện được các nhà nghiên cứu đưa ra 6 bước tốt nhất để dự phòng ung thư, cụ thể:

Bước 1. Cần ngưng hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc

Nhiều người chỉ hiểu rằng hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ ung thư phổi. Tuy nhiên, ngay cả hút thuốc lá thụ động nghĩa là không hút mà tiếp xúc với khói thuốc cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

Theo nghiên cứu, hút thuốc lá không chỉ có nguy cơ bị bệnh ung thư phổi mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác, Ví dụ như: ung thư thanh quản, miệng, thực quản, họng, mũi và xoang… Giải thích vấn đề này, người ta ghi nhận nhiều hóa chất trong thuốc lá, như benzen, polonium-210, benzo pyrene và nitrosamines,… gây hại cho DNA bao gồm những gene quan trọng để bảo vệ chống lại bệnh ung thư. Vì vậy, để dự phòng ung thư hãy bỏ hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

Bước 2. Cần có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng

Các khuyến cáo về dinh dưỡng cho thấy, cần có một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, cải thiện sức khỏe tổng thể và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ ung thư. Cụ thể, hãy hạn chế sử dụng các loại thịt chế biến sẵn, cân nhắc áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải (tăng các thành phần có lợi cho sức khỏe như cá, rau, củ, trái cây, đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Giảm các thành phần như thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa, đồ ngọt), ăn nhiều thực phẩm nguồn gốc thực vật, thịt nạc, chất béo có lợi cho cơ thể.

Ngoài ra, không uống rượu bia hoặc tiết chế việc uống rượu bia. Vì uống quá nhiều rượu, bia sẽ làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng, thực quản, thanh quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng, gan,…

Bước 3. Nên giữ được cân nặng hợp lý và hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày

Cần duy trì cân nặng hợp lý, không béo phì và tập thể dục đều đặn không chỉ có tác dụng cải thiện sức khỏe mà còn giảm nguy cơ phát triển một số bệnh như đái tháo đường, ung thư và bệnh tim mạch.

Các ghi nhận cho thấy có mối liên hệ giữa giảm cân và giảm nguy cơ mắc ung thư vú sau mãn kinh, nội mạc tử cung và một số loại ung thư khác. Tại Mỹ các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, thừa cân, béo phì được cho là một yếu tố nguy cơ của hơn 50% ung thư nội mạc tử cung, là nguyên nhân của khoảng 11% trường hợp ung thư ở nữ và khoảng 5% trường hợp ung thư ở nam giới. Vì vậy để phòng ngừa và đẩy lùi nguy cơ mắc ung thư chúng ta cần giữ được cân nặng hợp lý và hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Bước 4. Không phơi nắng quá lâu, tránh tia UV của ánh nắng mặt trời

Nhiều người cho rằng nếu tiếp xúc quá lâu với ánh nắng có thể liên quan đến việc gia tăng nguy cơ ung thư da. Không những thế tia cực tím từ ánh nắng mặt trời còn có thể hại cho mắt vì có thể gây hại cho giác mạc, đục thủy tinh thể thậm chí còn có thể gây ung thư mắt. Do vậy, nếu phải ra ngoài khi giữa trưa hè nắng gắt cần che chắn tia UV bằng quần áo, kính râm, mũ, và thoa kem chống nắng thường xuyên. Chú ý, cần tránh ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Vì đây là lúc tia nắng mặt trời ở mức mạnh nhất.

Bước 5. Tiêm vắc xin phòng virus 

Không có một loại virus đơn thuần nào có thể gây ra bệnh ung thư. Tuy nhiên, có một số loại có thể gây ra ung thư bắt nguồn từ các virus chẳng hạn virus viêm gan B, virus gây u nhú ở người HPV (HPV 16 và HPV 18 có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung). Vì vậy việc tiêm phòng vắc xin có thể ngăn ngừa và giảm nguy cơ ung thư. Bên cạnh đó cần thực hiện tình dục an toàn, không sử dụng chung bơm kim tiêm.

Bước 6. Cần khám định kỳ để có thể phát hiện sớm các loại ung thư, làm tăng cơ hội chữa khỏi cho người bệnh

Ngày nay, với tiến bộ của y học nếu ung thư phát hiện ở giai đoạn đầu thì việc điều trị khỏi duy trì kéo dài sự sống cho người là hoàn toàn có thể. Vì vậy, cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh để từ đó giúp tăng cơ hội chữa khỏi cho người bệnh.

Theo khuyến cáo phổ biến độ tuổi sàng nên khám sức khỏe định kỳ là khoảng 40 tuổi và 6 tháng/1 lần và 1 năm /2 lần. Tuy nhiên, người trong gia đình có tiền sử thì những người nằm trong đối tượng có nguy cơ cao thì cần tầm soát bệnh ung thư sớm hơn có thể 4-6 tháng/ lần. Bởi vì việc tầm soát ung thư ở độ tuổi nào còn tùy vào yếu tố gia đình, tình trạng bệnh cảnh của từng người.

Nguồn: SKĐS