Duy trì lối sống lành mạnh để phòng bệnh ung thư

Ung thư là một bệnh lý ác tính của tế bào, khi bị kích thích bởi các tác nhân gây ung thư thì tế bào tăng sinh một cách vô hạn, không tuân theo các cơ chế kiểm soát về mặt phát triển của cơ thể.

Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Tại Đồng Nai, năm 2021 phát hiện 2.074 người mắc ung thư, trong đó có 725 người tử vong, cơ cấu bệnh đa dạng trong đó nhiều nhất là ung thư vú, ung thư đại trực tràng, gan, phổi,…

Yếu tố nguy cơ gây ung thư 

Ung thư là bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố phối hợp nhưng tựu chung lại là 2 nhóm yếu tố: nhóm yếu tố thay đổi được và nhóm yếu tố không thay đổi được.

Các yếu tố có thể thay đổi được gồm:

Rượu bia, thuốc lá: Các yếu tố về hành vi lối sống phải kể tới là hút thuốc lá (là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi); lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra các loại ung thư như ung thư miệng, họng; ung thư gan; ung thư vú, ung thư đại trực tràng); ….

Chế độ ăn uống không hợp lý: chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc (gạo, lạc…), hay thực phẩm chế biến sẵn (thịt hun khói, cá muối…) chiếm 35% nguyên nhân gây ung thư (như ung thư vú, thực quản,…).

Ít vận động thể lực: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít vận động thể lực là nguyên nhân gây ra 21-25% trường hợp ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Một số nghiên cứu khác, ở người béo phì số trường hợp ung thư nhiều hơn 33% so với cộng đồng.

Môi trường sống: Vấn đề về ô nhiễm không khí và môi trường cũng là những yếu tố gây ung thư. Tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm nặng làm tăng nguy cơ ung thư phổi lên 50%.

Hút thuốc lá là nguyên nhân của trên 90% trường hợp ung thư phổi.

Bên cạnh đó còn có một số yếu tố khác như: bức xạ ion ( ví dụ ung thư da, ung thư máu gặp ở những người có nghề nghiệp tiếp xúc với tia X); tia cực tím (tác nhân gây ung thư da); một số vi rút, vi khuẩn gây ung thư như vi rút viêm gan B gây ung thư gan,…

Các yếu tố không thay đổi được gồm: Tuổi, giới, gen di truyền.

Duy trì lối sống lành mạnh, thay đổi thói quen có hại 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 1/3 các loại ung thư có thể dự phòng được, 1/3 ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và 1/3 số bệnh nhân ung thư còn lại có thể kéo dài thời gian và nâng cao chất lượng cuộc sống bằng các phương pháp điều trị, chăm sóc. Để dự phòng bệnh ung thư chúng ta cần loại bỏ hoặc giảm thiểu tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây ung thư, duy trì lối sống lành mạnh, thay đổi thói quen có hại. Cụ thể:

Không hút thuốc lá, thuốc lào; hạn chế sử dụng rượu bia.

Duy trì cân nặng hợp lý: Thường xuyên theo dõi và đánh giá cân nặng cơ thể qua chỉ số khối cơ thể (BMI) dựa trên cân nặng (kilogram) chia chiều cao bình phương (mét), cân nặng bình thường theo tiêu chuẩn của WHO áp dụng cho người Châu Á là 18,5 ≤ BMI ≤ 22,9, thừa cân khi 23 ≤ BMI ≤ 24,9, BMI ≥ 25 là béo phì.

Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: ăn đa dạng các loại thực phẩm; hạn chế sử dụng chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối, tránh đồ uống có đường; không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu, thực phẩm nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng ….

Tăng cường hoạt động thể lực: nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đi bộ, chạy bộ, bơi lội,…

Giảm tiếp xúc với các chất độc hại và ô nhiễm môi trường: trang bị quần áo bảo hộ, kem chống nắng,…

Ngoài ra cần tiêm chủng đầy đủ các vắc xin phòng viêm gan B, ung thư cổ tử cung; sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn.

Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm tỷ lệ chữa khỏi càng cao. Chính vì thế ngoài lối sống lành mạnh, mỗi người dân cần có thói quen khám sức khoẻ định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư (như  ho dai dẳng, u ở vú hay bất kỳ đâu trên cơ thể,…) cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và được tư vấn sức khỏe phù hợp.

TA