Hội chứng ruột kích thích là bệnh rối loạn chức năng của ruột. Gọi là hội chứng, nghĩa là gồm nhiều triệu chứng đồng thời chứ không phải là một dấu hiệu riêng lẻ, như chướng bụng, hay đánh hơi, cảm giác mệt mỏi.
1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là bệnh khá thường gặp với tỷ lệ 10-15% dân số trưởng thành Mỹ, 9-23% dân số thế giới. Bệnh nhân IBS thường có thêm đau cơ khớp, trầm cảm, hội chứng mệt mỏi mạn tính. Thường ở người trẻ, xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ.
IBS không phải là bệnh rối loạn tâm thần/tâm lý nhưng những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo âu, trầm cảm, hoảng sợ có thể làm tăng biểu hiện bệnh. Ngoài ra, bệnh đặc biệt tăng lên ở phụ nữ thời điểm liên quan đến kinh nguyệt.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh nhân IBS thường có nhu động ruột không bình thường. Khi ruột tăng vận động, thức ăn được di chuyển quá nhanh qua ruột, nước sẽ không được tái hấp thu đầy đủ nên lòng ruột có nhiều nước, sẽ hình thành phân lỏng, người bệnh đi ngoài phân lỏng; ngược lại nếu ruột bị ‘lười’ vận động, thức ăn di chuyển quá chậm trong ruột, nước sẽ được tái hấp thu vào mạch máu quá nhiều, khi đó phân sẽ cứng và người bệnh bị táo bón.
Một số nguyên nhân có thể dẫn tới IBS:
• Thay đổi chức năng trong não sau những sang chấn tâm lý, lo lắng, căng thẳng, hoảng sợ …
• Không thể dung nạp một số loại thức ăn: hydratcarbon chuỗi ngắn, gluten, sữa và các sản phẩm của sữa.
• Sau nhiễm trùng: viêm nhiễm, thay đổi khả năng hấp thu của ruột, rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột.
• Bất thường trong chuyển hóa serotonin.
• Thay đổi về gen.
• Tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh.
• Sự thay đổi nồng độ hormone trong chu kỳ kinh nguyệt.
• Yếu tố di truyền.
Nhiều người bệnh khi thấy có bất thường đại tiện hay lo lắng mình có thể bị mắc ung thư, việc lo lắng lại càng làm cho bệnh trầm trọng hơn.
3. Triệu chứng hội chứng ruột kích thích
Các triệu chứng chính bao gồm: đau bụng, táo bón và tiêu chảy.
• Đau bụng:
Đau không có đặc điểm gì cụ thể, không có vị trí nhất định, có thể đau dọc khung đại tràng, đau nhiều hơn sau khi ăn hoặc đôi khi chưa ăn xong đã có cảm giác đau, khi ăn thức ăn lạ, thức ăn để lâu.
• Táo bón và tiêu chảy:
Phân táo thường kèm theo nhầy bọc ngoài phân. Một điểm cần lưu ý là phân trong trường hợp này không bao giờ lẫn máu, nếu có thì chắc chắn không phải là hội chứng ruột kích thích.
Ngoài các triệu chứng chính kể trên, các rối loạn khác có thể gặp phải là:
• Bụng đầy hơi, cảm giác nặng bụng.
• Nhức đầu.
• Mất ngủ.
• Trung tiện nhiều, cảm giác đi chưa hết phân.
Các triệu chứng này không đặc hiệu và thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào chế độ ăn uống. Chẳng hạn, khi ăn các thức ăn không phù hợp sẽ xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ngay lập tức, nếu kiêng khem thì các triệu chứng sẽ biến mất.
4. Chẩn đoán và điều trị hội chứng ruột kích thích
Theo tiêu chuẩn sau: Đau bụng, khó chịu vùng bụng trong ít nhất 3 ngày/tháng trong 3 tháng qua, đi kèm với ít nhất 2 trong số các dấu hiệu sau: cảm thấy thoải mái sau khi đi đại tiện, đau bụng liên quan đến thay đổi số lần đi đại tiện hoặc thay đổi hình thái phân.
Chẩn đoán bệnh dựa vào triệu chứng nhưng cần làm thêm xét nghiệm như nội soi tiêu hóa để loại trừ các tổn thương thực thể tại đường ruột (ung thư, bệnh viêm ruột mạn tính – IBD).
Điều trị
• Vật lý trị liệu: Cho những trường hợp có nền khung chậu yếu: bài tập cho vùng khung chậu (yoga).
• Men tiêu hóa (Probiotics): tùy theo thể mà bác sỹ sẽ kê loại phù hợp.
• Tùy theo thể và trên từng bệnh nhân cụ thể mà bác sỹ sẽ kê loại phù hợp để điều trị triệu chứng: Chống co thắt (Antispasmodic). Chống trầm cảm(Antidepresant). Chống tiêu chảy (Antidiarrhea). Nhuận tràng (Laxatives). Giảm đau (Prosecretory & Analgestic Agent)
5. Cách phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
IBS là bệnh hay gặp, chủ yếu ở người trong độ tuổi lao động, học tập nên có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc của người bệnh. Bệnh có liên quan nhiều đến yếu tố thần kinh, tâm lý, chế độ ăn, lối sống … nên cần điều chỉnh và thực hiện một cách nghiêm túc. Đó là:
Chế độ ăn uống khoa học
• Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ như rau củ quả.
• Tránh các thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ, thực phẩm khó dung nạp lactose, thực phẩm cay. Hạn đồ uống có ga và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
• Uống nhiều nước.
• Không ăn thức ăn để lâu hoặc điều kiện bảo quản không tốt.
• Không ăn thức ăn khó tiêu, dễ gây đầy hơi: khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả nhiều đường như cam, quýt, xoài, mít.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn, người mắc hội chứng ruột kích thích nên thay đổi thói quen không tốt trong sinh hoạt để giảm tác hại của bệnh. Đó là:
• Sử dụng thuốc tiêu chảy và thuốc nhuận tràng theo kê toa của bác sĩ.
• Tập thể dục thường xuyên, cố gắng có những vận động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.
• Không để bị trầm cảm, lo lắng quá mức.
• Tránh làm việc quá sức, mất ngủ, căng thẳng thần kinh kéo dài.
• Nên thực hiện các phương pháp giảm stress như tập thể dục, ngồi thiền, tập yoga hoặc lựa chọn các hình thức tập luyện phù hợp, dễ thực hiện như đô bộ, đạp xe.
Theo Sức khoẻ và Đời sống