Ngày 20-4 cả nước có hơn 2.460 ca COVID-19 mới, tăng cường bảo vệ nhóm nguy cơ

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 20/4 của Bộ Y tế cho biết có 2.461 ca mắc mới, tiếp tục đà tăng của các ngày trước đó. Hôm nay ghi nhận số mắc cao nhất trong hơn 6 tháng qua. Có 109 bệnh nhân thở oxy.

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.538.248 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.603 ca nhiễm).

Theo Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong ngày 20/4, cả nước có 245 ca COVID-19 khỏi bệnh.

Đến nay, đã có tổng số ca được điều trị khỏi là 10.615.987 ca.

Số bệnh nhân đang thở oxy là 109 ca, không có ca phải chạy ECMO.

Trong ngày, cả nước không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Về tình hình tiêm chủng vắc xin, trong ngày 19-4 có 4.420 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.114.033 liều.

Trước diễn biến gia tăng của các ca mắc gia tăng liên tục trong thời gian gần đây, để dịch bệnh không ảnh hưởng đến cuộc sống, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần rà soát lại đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai…) – đây là những trường hợp dễ có nguy cơ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19. Do đó, công tác tiêm vắc xin COVID-19 hiện cũng nhắm đến bảo vệ các đối tượng nguy cơ cao để tránh chuyển bệnh nặng và tử vong. Vắc xin COVID-19 vẫn có hiệu quả phòng được ca bệnh nặng và nhập viện, tử vong.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân không chủ quan nhưng cũng không nên hoang mang, lo lắng khi số ca COVID-19 gia tăng, mặc dù số ca mắc COVID-19 tăng nhưng hệ thống y tế không bị quá tải, số ca chuyển nặng và tử vong không nhiều và không xuất hiện biến chủng mới kháng lại vắc xin đang có thì vẫn có thể kiểm soát dịch ổn định.

ĐT
Nguồn: Bộ Y tế