Người bệnh đái tháo đường nên ăn chuối như thế nào?

Người bệnh đái tháo đường luôn phải tuân thủ một chế độ ăn cực kỳ nghiêm ngặt, nhất là phải hạn chế những thực phẩm chứa nhiều đường. Vậy người bệnh đái tháo đường có nên ăn chuối?

1. Thành phần dinh dưỡng của chuối

Chuối là loại quả quen thuộc, rẻ tiền nhưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Mặc dù chuối không phải là nguồn cung cấp đáng kể vitamin A hoặc sắt, nhưng chuối lại chứa ít calo, natri và cholesterol.

Một quả chuối trung bình (khoảng 100g) chứa 89 calo, 1,1g protein, 22,8g carbohydrate, 12,2g đường, 2,6g chất xơ, 0,3g chất béo.

Đặc biệt, mỗi quả chuối chứa khoảng 422mg kali, là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần để điều chỉnh sự cân bằng chất lỏng, co cơ và dẫn truyền thần kinh. Kali cũng có thể ngăn ngừa bệnh tim, bệnh thận, loãng xương, đột quỵ và giữ nước, có thể giúp tránh hoặc trì hoãn những biến chứng tiềm ẩn của bệnh đái tháo đường.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tăng lượng kali có thể giúp giảm nguy cơ huyết áp cao và bệnh tim mạch.

Người bệnh đái tháo đường có nên ăn chuối? - Ảnh 2.

2. Lợi ích của chuối đối với người bệnh đái tháo đường

2.1 Chuối chứa chất xơ giúp thúc đẩy cảm giác no

Một quả chuối trung bình chứa khoảng 2,6 – 3g chất xơ. Một số lợi ích của chất xơ đối với những người mắc bệnh đái tháo đường bao gồm:

  • Làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ carbohydrate.
  • Làm giảm lượng đường và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường.
  • Chuối là thực phẩm có chỉ số đường huyết từ thấp đến trung bình.
  • Đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì môi trường ruột bình thường, trao đổi chất và giảm cholesterol.
Chuối có chỉ số đường huyết thấp (GI thấp), khoảng 51 trên thang đo. Trong đó, độ chín đóng một vai trò trong lượng đường huyết của chuối. Chuối chín có ít tinh bột kháng hơn và lượng đường cao hơn so với chuối xanh, chuối chưa chín. Điều đó có nghĩa là chuối chín hoàn toàn có GI cao hơn.

2.2 Chuối rất giàu chất phytochemical

Chuối cũng như nhiều loại trái cây đều có chất phytochemical giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và đột quỵ. Bệnh đái tháo đường có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề khác, vì vậy những người bị bị bệnh đái tháo đường nên tiêu thụ chuối ở mức vừa phải.

2.3 Chuối xanh chứa nhiều tinh bột kháng hơn chuối chín

Hàm lượng tinh bột trong chuối thường thay đổi theo độ chín. Chuối xanh, chưa chín có ít đường và nhiều tinh bột kháng hơn chuối vàng.

Tinh bột kháng có tác dụng tương tự như chất xơ, có khả năng chống lại quá trình tiêu hóa ở hệ tiêu hóa trên. Do đó, tinh bột kháng không gây ra tình trạng tăng đột biến lượng đường trong máu. Chỉ số đường huyết của chuối xanh là khoảng 30 – 50.

Hơn nữa, chuối xanh thân thiện với vi khuẩn đường ruột và giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh bột kháng đặc biệt tốt với sức khỏe người mắc bệnh đái tháo đường typ 2 bằng cách cải thiện độ nhạy insulin và giảm viêm.

2.4 Ngăn ngừa biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường

Vitamin B6 đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường như bệnh thần kinh, đái tháo đường thai kỳ và tình trạng suy giảm dung nạp glucose.

2.5 Chuối chứa nhiều kali

Nếu cơ thể có mức kali thấp sẽ tạo ra ít insulin hơn, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Các nghiên cứu cho thấy những người có lượng kali thấp dễ mắc bệnh đái tháo đường typ 2 hơn những người có mức kali bình thường.

Hiện vẫn chưa chắc chắn liệu mức kali thấp có trực tiếp gây ra bệnh đái tháo đường hay không, tuy nhiên cần thận trọng khi kiểm tra nồng độ kali nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Người bệnh đái tháo đường có nên ăn chuối? - Ảnh 5.

Người bệnh đái tháo đường có thể ăn chuối với lượng vừa phải.

3. Người bệnh đái tháo đường ăn chuối thế nào?

3.1 Ăn lượng vừa phải

Hàm lượng vitamin, khoáng chất và chất xơ trong chuối có thể bổ sung dinh dưỡng cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, một người không nên ăn quá nhiều khẩu phần. Người bệnh đái tháo đường có thể ăn chuối với lượng vừa phải.

Mỗi ngày, người bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn 1 quả chuối nhỏ.

Tuy nhiên, có thể ăn nhiều hơn 1 quả chuối trong trường hợp có dấu hiệu tụt đường huyết do tiêm insulin bị quá liều hoặc ở quá xa các bữa ăn. Khi đó có thể ăn ngay 2 quả chín trứng cuốc (nếu không có thì dùng chuối ương) để nhanh chóng bổ sung lượng đường bị thiếu hụt.

Khẩu phần chuối không ảnh hưởng đáng kể đến lượng đường trong máu ngay sau khi ăn, nhưng ăn phần này vào mỗi buổi sáng sẽ làm giảm đáng kể lượng đường trong máu lúc đói.

3.2 Ăn chuối nhỏ hơn

Kiểm soát khẩu phần có thể ảnh hưởng đến lượng đường mà một người tiêu thụ trong chuối. Chuối có nhiều kích cỡ, quả to bé khác nhau. Một người sẽ hấp thụ ít tinh bột hơn nếu chọn một quả chuối nhỏ hơn.

3.3 Kết hợp chuối với nguồn chất béo hoặc protein “lành mạnh”

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) gợi ý rằng những người mắc bệnh đái tháo đường nên kết hợp trái cây vào chế độ ăn uống có kiểm soát, chẳng hạn như ăn một phần trái cây nhỏ hoặc nửa khẩu phần trái cây lớn với mỗi bữa ăn như một món tráng miệng.

Ăn một quả chuối cùng với nguồn chất béo không bão hòa, chẳng hạn như hạnh nhân hoặc bơ đậu phộng, hạt hướng dương hoặc quả óc chó, có thể có tác động tích cực đến lượng đường trong máu cũng như tăng hương vị.

Một lựa chọn lành mạnh khác cho những người mắc bệnh đái tháo đường là kết hợp chuối với một nguồn protein, chẳng hạn như sữa chua Hy Lạp. Điều này sẽ giúp một người cảm thấy no lâu hơn và giảm cảm giác thèm ăn vặt suốt cả ngày, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.

3.4 Nên chọn chuối chưa chín

Chuối chưa chín có thể giải phóng glucose với tốc độ chậm hơn chuối chín. Chuối chưa chín chứa nhiều tinh bột hơn so với chuối chín. Cơ thể không thể phân hủy tinh bột dễ dàng như các loại đường ít phức tạp hơn. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu tăng chậm hơn, có thể kiểm soát hơn.

Tuy chuối rất tốt cho sức khỏe, nhưng người bệnh đái tháo đường cần ăn bổ sung đa dạng các loại trái cây khác, không chỉ nên ăn mỗi chuối vì gây cảm giác chán, đồng thời không cung cấp được đa dạng các vitamin hoặc nguồn chất chống ôxy hóa từ các loại hoa quả khác.

Trong trường hợp người mắc bệnh đái tháo đường có những biến chứng trên thận, hoặc đang sử dụng các thuốc lợi tiểu giữ kali thì không nên ăn chuối vì chuối chứa nhiều kali và natri, sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Theo SK&ĐS