Nuôi con bằng sữa mẹ – sự khởi đầu tốt nhất cho con

Với mục đích: “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” thì việc nuôi con bằng sữa mẹ là một phần quan trọng trong việc giảm thiểu tổn hại ở trẻ em, có tác động trực tiếp, ảnh hưởng quan trọng tới sức khỏe, khả năng học hành và kinh tế của cá nhân trong tương lai. Cho con bú sớm và hoàn toàn 6 tháng đầu là một sự khởi đầu tốt nhất, giúp giảm tỷ lệ ốm đau và tử vong ở trẻ.

Tuy nhiên, những định kiến hẹp hòi của chính những người mẹ trẻ đã đầy trẻ sơ sinh ngày càng rời xa hơn dòng sữa ấm áp tình mẫu tử thiêng liêng. Đó là lối suy nghĩ hết sức hời hợt, thiếu khoa học: Cho con bú mẹ sẽ ảnh hưởng đến sắc đẹp và sự trẻ trung của phụ nữ. Cho nên, ngay khi mang bầu những người mẹ này đã không ngại tốn công, tốn tiền để sưu tầm những nhãn hiệu sữa thay thế cho sữa mẹ, để đạt tiêu chuẩn: Con vừa thông minh mà mẹ vừa trẻ trung, không bị hư dáng.

Bên cạnh những rào cản trên thì còn nhiều nguyên nhân khác như nhiều sản phụ sinh con bằng phương pháp mổ đẻ cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa…

Do đó, trong bài viết này ta cùng tìm hiểu các kiến thức và kỹ năng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ có tầm quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của trẻ. Vậy sữa mẹ là gì?

Sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất của tự nhiên, cung cấp cho con bạn sự khởi đầu hoàn hảo nhất cho cuộc sống. Đây là lý do tại sao Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Và một điều vô cùng quan trọng là nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ mang lại lợi ích cho mẹ, mà còn tốt cho con.

Lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ

  • Tốt cho con:
  • Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho con trong 6 tháng đầu đời.
  • Ngăn chặn các bệnh như tiêu chảy, viêm tai, nhiễm khuẩn hô hấp, hen suyễn…
  • Tăng cường sự phát triển của não và mắt.
  • Giảm nguy cơ béo phì và dị ứng.
  • Lợi cho mẹ:
  • Giảm nguy cơ băng huyết, thiếu máu sau sinh.
  • Gắn kết tình cảm mẹ con, giảm căng thẳng, giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh.
  • Giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng.
  • Chậm có thai trở lại.
  • Hồi phục nhanh cân nặng, vóc dáng ban đầu.
  • Tiết kiệm được kinh tế.

Nguy cơ khi dùng sữa công thức, bình bú

Thức ăn thay thế sữa mẹ được chế biến từ nhiều loại sữa khác nhau. Các loại

sữa này mặc dù đã được điều chỉnh, chế biến để giống với thành phần sữa mẹ nhưng vẫn không thể hoàn hảo như sữa mẹ. Vì vậy, nguy cơ khi dùng sữa công thức, bình bú:

–    Trẻ dễ bị tiêu chảy và tiêu chảy kéo dài do đặc điểm protein trong sữa động vật không phù hợp với khả năng tiêu hoá và hấp thụ của trẻ.

–    Hạn chế gắn bó mẹ và con, giảm mối quan hệ gần gũi yêu thương giữa mẹ và con.

  • Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hóa, hô hấp và viêm tai giữa.
  • Trẻ dễ bị dị ứng như chàm, hen suyễn và không dung nạp sữa.
  • Tăng nguy cơ béo phì.
  • Chỉ số thông minh của trẻ thường thấp hơn so với trẻ nuôi bằng sữa mẹ.

–    Dễ có thai sớm, nguy cơ thiếu máu sau sinh và tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng sau này.

–    Cho trẻ bú bình có thể khiến trẻ nhằm lẫn núm vú dẫn đến việc bé bú sữa mẹ không hiệu quả và ít bú mẹ hơn.

Trẻ bắt đầu được bú mẹ khi nào?

Khi con vừa chào đời, mỗi phút bú mẹ ngay đều quý giá.

Cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

Cho trẻ bú chậm sau 1 ngày hoặc lâu hơn làm tăng nguy cơ trẻ tử vong lên gấp 2 lần so với trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh.

Cho trẻ bú sữa mẹ trong 1 giờ đầu sau sinh, tại thời điểm da kề da để con được bú sữa non giàu dinh dưỡng, ngay cả khi sữa chưa về.

Bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh giúp bảo vệ tính mạng và mang đến nhiều lợi ích lâu dài trong cuộc đời trẻ.

Cho trẻ bú theo nhu cầu bất cứ khi nào trẻ muốn, kể cả ban đêm.

Trong những ngày đầu, dung tích dạ dày của trẻ chỉ chứa được một lượng sữa rất nhỏ trong mỗi lần bú. Vì vậy, cần nhận biết nhu cầu và khả năng nhận biết của trẻ để cho trẻ bú đúng.

Lượng sữa trẻ cần trong những ngày đầu đời

Dung tích dạ dày của trẻ sơ sinh:

  • Ngày đầu tiên: như 1 hòn bi (5-7 ml)
  • Ngày thứ 3: như quả bóng bàn (22-27 ml)
  • Ngày thứ 5-7: như quả trứng gà (43-57 ml)

Với dung tích dạ dày của trẻ nhỏ như vậy, bà mẹ không cần phải cho trẻ bú sữa bình, đặc biệt là trong ngày đầu tiên sau đẻ. Việc cho trẻ bú ít và thường xuyên sẽ tạo thói quen ăn uống tốt cho trẻ sau này.

Tư thế cho trẻ bú đúng

Mẹ có tư thế chuẩn khi cho con bú cũng sẽ giúp bé hấp thu tối đa nguồn dinh dưỡng trong sữa, giảm các nguy cơ sặc sữa, đầy hơi…

  • Bụng bé áp sát bụng mẹ.
  • Mặt bé đối diện bầu vú.
  • Mũi bé đối diện núm vú.
  • Mẹ nâng đỡ cơ thể bé: đầu lưng mông trên 1 đường thẳng.

Dấu hiệu trẻ đòi bú

Cần nhận biết được các dấu hiệu trẻ đang đòi bú sớm để kịp thời cung cấp dinh dưỡng và đáp ứng nhu cầu đòi bú của trẻ:

  • Dấu hiệu sớm: Lắc đầu – há miệng – quay đầu tìm kiếm.
  • Dấu hiệu tiếp theo: Vươn mình – cựa quậy liên tục – cho tay vào miệng.
  • Dấu hiệu trễ: Khóc – kích động – mặt đỏ ửng.

Dấu hiệu trẻ ngậm bắt vú đúng

Ngậm bắt vú tốt là điều kiện cực kỳ quan trọng giúp bé bú mẹ hiệu quả. Mẹ quan sát để nhận biết dấu hiệu bé ngậm bắt vú đúng để giúp con bú mẹ dễ dàng hơn:

  • Miệng bé mở rộng, ngậm gần hết quầng vú của mẹ.
  • Cằm chạm vào vú mẹ, má phồng.
  • Quầng vú phía trên nhìn thấy nhiều hơn phía dưới.
  • Lưỡi ở dưới núm vú.

Ngậm bắt vú (nhìn từ bên ngoài)

 

Hình 1. Ngậm bắt vú đúng (1)
Ngậm bắt vú sai (2)

Ngậm bắt vú (nhìn từ bên trong)

Hình 2. Ngậm bắt vú đúng (1)
Ngậm bắt vú sai (2)

Đã đến lúc cộng đồng xã hội cần nhận thức một cách đúng đắn, hành động thực tế vì sức khỏe của những đứa con thân yêu ngay những năm tháng đầu đời. Mỗi người mẹ hãy tự trang bị kiến thức khoa học căn bản nhất về việc nuôi con bằng sữa mẹ, dẹp bỏ những lối suy nghĩ sai lệch để thực hiện nhiệm vụ cũng là quyền thiêng liêng nhất của một người mẹ khi sinh con. Tất cả hãy vì sự phát triển toàn diện của đứa con thân yêu của mình, cũng là tạo cho xã hội, đất nước một thế hệ mạnh khỏe và phát triển toàn diện./.

Mỹ Ngoan – SKSS