Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng đường ruột gây ra, bệnh thường gặp ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, nhất là ở trẻ em dưới 3 tuổi, bệnh rất nguy hiểm nếu không biết cách phát hiện sớm, phòng tránh và điều trị kịp thời.
Nguy hiểm hơn là bệnh có thể để lại biến chứng gây nên viêm màng não, viêm cơ tim … có thể gây tử vong. Vì vậy, các gia đình có trẻ nhỏ cần nắm chắc thông tin về căn bệnh này để biết cách phòng bệnh, và đưa trẻ đến cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất của bệnh.
- Nguyên nhân gây bệnh:
Tác nhân gây bệnh chân tay miệng là do Vi rút Coxsakie gây nên. Coxsackie virus A16 (A6, A10) và Enterovirus 71.
- Đường lây truyền:
Vi rút gây bệnh có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng, trong những đợt dịch bệnh có thể lây rất nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay bọt nước của trẻ bệnh.
– Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh, bị nhiễm bệnh do nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh văng ra trong lúc ho, hắt hơi.
– Do trẻ lành cầm nắm đồ chơi, sờ chạm vào sàn nhà bị dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh.
– Ngoài ra bệnh còn lây cho trẻ qua bàn tay của người chăm sóc trẻ.
Vi rút xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết và từ đó sẽ phát triển rất nhanh và gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc.
- Triệu chứng của bệnh:
- Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày, chưa có dấu hiệu lâm sàng.
- Giai đoạn khởi phát 1-2 ngày: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3 – 10 ngày:
Loét miệng: Sau sốt 1-2 ngày, chấm hồng ban trong vòng 24 giờ đầu tiến triển thành mụn nước d=2-4 mm, cuối cùng thành loét trung tâm gây đau, chảy nước miếng, ăn uống kém, vị trí niêm mạc phần sau khoang miệng, các nếp hầu họng, lưỡi gà, cột trước amidan, khẩu cái mềm, đôi khi ở cả niêm mạc má và lưỡi; các vết loét có thể kéo dài hàng tuần lễ.
Phát ban dạng sẩn mụn nước: ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; đùi, khuỷu tay tồn tại trong thời gian ngắn (< 7 ngày) sau đó để lại vết thâm . Đôi khi dạng dát sẩn không có mụn nước; d= 2-10 mm hình tròn hay bầu dục, nổi cộm hoặc ẩn dưới da, trên nền hồng ban, không đau, các tổn thương da tự hết trong vòng 1 tuần, mụn nước khô sẽ để lại vết thâm da, không loét. Ban trong nhiễm CVA16 có dạng mụn nước lớn , EV71 có hồng ban dạng chấm hay dạng sẩn.
Sốt nhẹ 2-4 ngày ( ± 7 ngày) do CVA16; nhiễm EV71 sốt cao >39ºC và sốt >3 ngày.
Nôn, tiêu chảy ± ho.
Trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng (Nhiễm EV71)
Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ N2-N5.
- Giai đoạn lui bệnh: Từ 3 – 5 ngày sau, hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
- Biến chứng: Các biến chứng thường gặp là:
– Viêm màng não, viêm não màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp
– Các biến chứng có thể phối hợp với nhau như: viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng một bệnh nhân.
– Các biến chứng này thường gây tử vong cao và diễn biến rất nhanh có thể trong 24 giờ, cần chú ý phát hiện sớm biến chứng viêm não màng não và đưa trẻ đến bệnh viện trong vòng 6 giờ đầu sau khi xuất hiện các biểu hiện của biến chứng để được cấp cứu kịp thời.
- Điều trị bệnh tay chân miệng:
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, đưa trẻ đến khám bệnh tại các cơ sở y tế. Nếu trẻ được chỉ định chăm sóc tại nhà, cần thực hiện những điều sau đây:
– Vệ sinh răng miệng và thân thể, tránh làm nhiễm trùng các bóng nước.
– Giảm đau, hạ sốt bằng cách lau mình bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol.
– Nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho ăn thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả.
– Không cạy vỡ các bóng nước để tránh nhiễm trùng.
– Theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu: Dễ giật mình, hoảng hốt, run chi, gồng tư thế, đi loạng choạng, chới với, co giật, nôn ói nhiều, sốt cao. Khi có các biểu hiện trên cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
- Phòng bệnh:
Bệnh tay chân miệng thường gặp rải rác quanh năm. Các tỉnh phía Nam, tăng cao vào hai thời điểm tháng 3 – tháng 5 và tháng 9 – tháng 12 hàng năm. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi, với nhóm tuổi này chủ yếu ở môi trường nhà trẻ, mẫu giáo do trẻ còn nhỏ nên thường đưa tay vào miệng.
Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh nên cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Khuyến cáo của Bộ Y tế về Phòng chống bệnh tay chân miệng
- Chú ý rửa tay (6 bước). Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/chotrẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
CDC Tây Ninh