Vi khuẩn Salmonella gây ngộ độc thực phẩm nguy hiểm thế nào?

Vi khuẩn Salmonella thường gây ra bệnh tiêu chảy, nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể.

Sự việc nhiều học sinh bị ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) vừa xảy ra đã được xác định nguyên nhân qua kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm là do nhiễm khuẩn Salmonella.

Nhiễm khuẩn Salmonella cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc tập thể thời gian gần đây.

Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, vi khuẩn Salmonella thường gây ra bệnh tiêu chảy, nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm máu, xương và khớp xương.

Bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella thường có triệu chứng tiến triển từ 12- 72 tiếng đồng hồ sau khi nhiễm khuẩn. Các triệu chứng thường kéo dài trong vòng từ 4- 7 ngày và có thể bao gồm các biểu hiện như: Tiêu chảy; co thắt dạ dày; đau đầu, sốt, nôn mửa, mất nước (đặc biệt ở trẻ sơ sinh và người già).

Theo đó, vi khuẩn Salmonella có thể rời khỏi cơ thể qua phân của người và động vật bị nhiễm bệnh. Những người khác bị nhiễm khuẩn khi tay, thực phẩm, hoặc đồ vật dính phân bị nhiễm khuẩn sau đó được cho vào miệng.

Sự việc nhiều học sinh bị ngộ độc thực phẩm tại Nha Trang, Khánh Hòa được xác định do nhiễm khuẩn Salmonella. 

Những người bị nhiễm Salmonella có thể truyền vi khuẩn sang người khác nếu họ không rửa sạch tay của mình sau khi đi vệ sinh.

Một người có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella do: Ăn đồ ăn hoặc uống nước hoặc sữa bị nhiễm vi khuẩn Salmonella; ăn đồ ăn sẵn (các loại đồ ăn không cần nấu nướng) được chế biến trên các bề mặt chế biến thực phẩm hoặc bằng các đồ dùng bị nhiễm Salmonella; ăn hoặc chạm vào miệng sau khi chạm vào động vật bị nhiễm khuẩn mà không rửa tay trước (động vật thường bị nhiễm khuẩn Salmonella là: Gà, vịt, lợn, bò, động vật gặm nhấm và các loài bò sát).

Đa số người bị nhiễm khuẩn Salmonella đều hồi phục mà không phải điều trị; những trường hợp có hệ miễn dịch suy yếu dễ bị nặng, với những trường hợp nặng thường phải sử dụng kháng sinh để điều trị.

Để phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella, người dân cần thực hiện các biện pháp như:

– Rửa tay thật kỹ, đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây lan các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột.

– Nấu kỹ tất cả các loại thịt, đặc biệt là thịt gia cầm.

– Không ăn trứng sống hoặc nấu chưa chín.

– Chỉ uống sữa tiệt trùng.

– Rã đông thịt và gia cầm trong tủ lạnh thay vì ở nhiệt độ phòng.

– Cho thức ăn vào tủ lạnh ngay sau khi dùng.

– Rửa thớt và kệ bếp dùng để chế biến thịt hoặc gia cầm ngay sau khi sử dụng để tránh lây nhiễm chéo sang các loại thực phẩm khác.

– Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ, chạm vào động vật và trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn.

– Không để các loài bò sát vào những nơi cho trẻ nhỏ ăn hoặc tắm.

– Không cho các loài bò sát và lưỡng cư vào trong nhà có trẻ dưới 5 tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu.

– Không bơi ở bể bơi hoặc hồ nếu bị tiêu chảy.

ĐT
Nguồn: TTXVN