Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại Tây Ninh

Ngày 9.5, đoàn công tác Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Sở Y tế Tây Ninh về công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH). Đoàn công tác bao gồm: đại diện Khoa Kiểm soát và phòng ngừa Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh; đại diện Bệnh viện Nhiệt Đới Pasteur Tp. Hồ Chí Minh; đại diện Bệnh viện Nhi đồng Tp. Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác làm việc tại Trung tâm y tế huyện Gò Dầu.

Trong ngày, đoàn đã thực hiện hoạt động giám sát công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu và công tác điều trị tại các bệnh viện Trung tâm y tế Gò Dầu, Bệnh viện Đa khao tư nhân Lê Ngọc Tùng, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Các hoạt động giám sát bao gồm: Giám sát thực hiện loại trừ các vật chứa phát sinh lăng quăng, bọ gậy; giám sát chỉ số lăng quăng vật chứa nước sinh hoạt, giám sát xử lý ca bệnh, vùng dịch tễ bệnh; giám sát mẫu xét nghiệm trọng điểm, giám sát điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác điều trị bệnh SXH tại các cơ sở y tế;…

Đoàn công tác giám sát dịch tễ tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác của Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh đánh giá cao những nỗ lực của ngành Y tế Tây Ninh trong công tác dự phòng cũng như công tác điều trị cho bệnh nhân SXH. Tuy nhiên, nhận định kết quả giám sát, đoàn công tác chỉ ra những hạn chế của địa phương trong công tác phòng, chống bệnh SXH: chỉ số lăng quăng trong các vật chứa tại xã Bàu Đồn còn cao; điều kiện trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu điều trị; nguồn nhân lực trong công tác giám sát điều kiện dịch tễ, điều trị bệnh chưa đảm bảo,…

Để nâng cao hiệu quả hoạt các hoạt động phòng chống SXH, đoàn yêu cầu ngành y tế tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát bệnh nhân các tuyến, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng qui định của Bộ Y tế và đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp các ban ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, thau vét bọ gậy theo tinh thần “không có loăng quăng, bọ gậy, không có SXH”; tăng cường hoạt động truyền thông nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của người dân trong công tác phòng chống SXH. Đồng thời tăng cường tổ chức tập huấn công tác điều trị bệnh cho nhân viên y tế các cơ sở y tế nhằm nâng cao năng lực điều trị, kịp thời cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.

Đoàn công tác làm việc cùng Sở Y tế tỉnh tại CDC Tây Ninh.

Theo báo cáo của CDC Tây Ninh, tính từ đầu năm 2022 đến nay, dịch SXH đã xảy ra tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố với 670 trường hợp mắc, trong đó có 3 trường hợp đã tử vong. Riêng trong tháng 4.2022, số ca mắc tăng đột biến với 326 ca, trong đó có 1 ca tử vong.

Thời gian qua, ngành Y tế Tây Ninh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời và phun hóa chất diệt muỗi chủ động trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Ngoài ra, ngành đã tập trung đẩy mạnh công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân SXH theo các hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời bảo đảm công tác vật tư, hóa chất, thuốc cho công tác phòng chống dịch.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan, đưa trẻ đến nhập viện muộn, mà phải luôn nghĩ đến trẻ có thể mắc sốt xuất huyết khi sốt chứ không phải chỉ lo trẻ mắc COVID-19 hay bệnh khác. Phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời. Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện, ngay cả trong đêm:

  • Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì
  • Đau bụng
  • Chảy máu cam, máu răng hoặc nôn ra máu,
  • Đi ngoài phân đen
  • Tay chân lạnh
  • Nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống

Tuyết Anh