Vắc xin là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả nhất. Các bằng chứng khoa học và thực tiễn cho thấy tiêm chủng phòng bệnh là biện pháp dự phòng an toàn nhất, hiệu quả nhất để dự phòng mắc bệnh, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống, không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn. Tác động của vắc xin là rất to lớn và toàn diện trên mọi lĩnh vực như sức khỏe, kinh tế và xã hội.
Ngày 12/9/2024, tại Tây Ninh, Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức hội thảo “Thông tin cập nhật về vắc xin phòng viêm não Nhật Bản và Sốt xuất huyết”. Tham dự hội thảo có GS.TS. Phan Trọng Lân – Chủ tịch Hội Y học Dự phòng Việt Nam – chủ trì hội thảo. Đại diện các viện, bệnh viện TpHCM: Nhi Đồng I, Nhiệt đới, Viện Pasteur TP. HCM, Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh; Về phía tỉnh Tây Ninh có BS. Vũ Gia Phương – Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh; đại diện các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khu vực phía nam; Trung tâm Y tế 9 huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở tiêm chủng tư nhân trong tỉnh.
Tiêm chủng vắc xin làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giảm tình trạng bệnh tật gây nên, qua đó làm giảm chi phí chăm sóc y tế và các chi phí khác. Như vậy kết hợp vắc xin và kiểm soát vector được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng kết hợp nâng cao hiệu quả phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Phan Trọng Lân – Chủ tịch Hội Y học Dự phòng Việt Nam: “Bệnh sốt xuất huyết hiện nay ngày càng tăng. Hiện nay công cụ góp sức cho chúng ta phòng chống sốt xuất huyết đó là vắc xin và hy vọng với vũ khí mới sẽ làm giảm đi gánh nặng bệnh tật trước hết là giảm số mắc, số nhập viện và số tử vong do sốt xuất huyết. Vấn đề thứ 2 là bệnh viêm não nhật bản, bệnh không lây từ người sang người mà lây qua vết đốt của muỗi (do muỗi đốt hút máu động vật nhiễm virus rồi đốt người), chính vì yếu tố này nó đòi hỏi vấn đề miễn dịch, để bảo vệ cho con người là việc tiêm vắc xin đúng liều, đúng lịch và đảm bảo tỷ lệ bao phủ để phòng bệnh cho cộng đồng. Chúng ta sẽ bàn luận và đưa ra biện pháp làm thế nào sử dụng hiệu quả các vắc xin, vừa có chất lượng, tiện lợi cho người dân khi đi tiêm chủng, đồng thời rút ngắn được các mũi tiêm”.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia đầu ngành báo cáo các nội dung: dịch tễ học bệnh viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết Dengue và tiến bộ trong vắc xin phòng viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết; đặc điểm lâm sàng và điều trị bệnh viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết; gánh nặng bệnh tật sốt xuất huyết – tóm tắt dữ liệu nghiên cứu vắc xin sốt xuất huyết TAK-003; tính an toàn và bảo vệ lâu dài của vắc xin viêm não Nhật Bản bất hoạt, nuôi cấy trên tế bào Vero sau khi tiêm chủng cơ bản 2 liều; tuân thủ lịch tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản và cách xử lý các tình huống thực tế.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự còn có các câu hỏi đưa ra thảo luận rất cấp thiết, sôi nổi, đặc biệt quan tâm vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết TAK-003 đã được tổ chức y tế thế giới tiền thẩm định và Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành tháng 5-2024. Vắc xin này dự kiến cuối tháng 9/2024 sẽ được cho ra thị trường với giá dự kiến gần 1 triệu đồng 1 mũi tiêm. Vắc xin TAK-003 đã được qua thử nghiệm lâm sàng 54 tháng cho thấy vắc xin có hiệu lực (80,2%) và an toàn, mở ra triển vọng mới cho phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue.
Kim Nguyên