Hưởng ứng Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2024

“Tuần lễ Làm mẹ an toàn” năm 2024 diễn ra từ ngày 01 tháng 10 năm 2024 đến ngày 07 tháng 10 năm 2024. Làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.

Chủ đề Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2024: “Khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ, mạnh khỏe cho con”. 

Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ và gia đình thực hiện các nội dung sau:

  1. Mỗi phụ nữ mang thai phải được khám thai ít nhất 4 lần trong ba giai đoạn của thai kỳ tại cơ sở y tế để theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi.
  2. Phụ nữ có thai phải tiêm ngừa uốn ván đủ liều và đúng lịch để phòng bệnh uốn ván cho mẹ và uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh.
  3. Chế độ dinh dưỡng của thai phụ phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng. Uống đủ nước, mỗi ngày từ 1,5 lít đến 2 lít.
  4. Bổ sung vi chất: uống viên sắt và axit folic theo chỉ định của bác sĩ.
  5. Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi: cần ngủ đủ giấc, tránh thức khuya; tránh làm việc nặng nhọc, làm ban đêm, tránh tiếp xúc môi trường ô nhiễm. Nơi ở cần thoáng đãng, sạch sẽ, không khí trong lành…
  6. Khi có các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, phù chân, tay hoặc toàn thân, ra máu hoặc dịch ối khi chưa đến ngày dự kiến sinh, sốt cao trên 38,50C, cử động thai ít hơn thường ngày, nôn, đau đầu hoặc chóng mặt… phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị ngay.
  7. Phụ nữ mang thai nên chọn nơi đẻ an toàn, đó là cơ sở y tế, không nên đẻ tại nhà.
  8. Sau khi sinh, bà mẹ cần cho con bú sữa mẹ sớm ngay trong vòng 30 phút đầu, cho trẻ bú cả ngày lẫn đêm, ít nhất là 8 lần mỗi ngày.

Các bà mẹ hãy khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ, mạnh khỏe cho con.

Bs Tuyết Hằng, Khoa SKSS – CDC