Với mục tiêu chung nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi. Bắt đầu từ ngày 22/10/2024, Tây Ninh ra quân triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi trên toàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Dự kiến có 27.700 trẻ từ 01 – 10 tuổi được tiêm vắc xin, phấn đấu có trên 95% người thuộc đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch được tiêm một mũi vaccine phòng bệnh sởi, góp phần ngăn chặn bệnh sởi đang có chiều hướng gia tăng trong cộng đồng.
Tùy theo điều kiện của từng Trạm Y tế, Trung tâm Y tế có thể tổ chức tiêm tại Trạm Y tế hoặc kết hợp tiêm tại các điểm trường học.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã giám sát công tác triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi tại các địa bàn nói trên. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh tính từ đầu năm đến 13/10/2024 toàn tình ghi nhận 63 trường hợp bệnh sởi.
Đối tượng tiêm phòng đợt này gồm: trẻ em từ 01 – 10 tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai đang sinh sống, học tập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh kể cả những trẻ 1-10 tuổi đang nằm điều trị bệnh trong thời gian diễn ra chiến dịch nhưng bệnh đã ổn định chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine có thành phần sởi. Nhân viên y tế và người làm việc có nguy cơ mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế công lập/tư nhân khám bệnh, chữa bệnh, điều trị chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine có thành phần sởi.
Đối với các trường hợp không rõ/ không nhớ tiền sử/không có bằng chứng thể hiện đã tiêm vaccine sởi thì xem như “không tiêm” và sẽ được tiêm 01 mũi vaccine phòng bệnh sởi trong chiến dịch này.
Để đảm bảo công tác tiêm chủng diễn ra an toàn đạt hiệu quả, Các Trạm Y tế phối hợp với nhà trường bố trí thời gian hợp lý và phòng rộng rãi, thoáng mát để tiêm ngừa. Công tác tiêm chủng thực hiện đúng quy trình, học sinh được tiếp đón, khám sàng lọc, tiêm chủng và theo dõi sau tiêm an toàn.
Trước đó, nhà trường đã triển khai đến giáo viên chủ nhiệm các lớp, tuyên truyền, phát phiếu lấy ý kiến từ phụ huynh để thống kê số lượng học sinh đã tiêm mũi 1 và chưa tiêm, và lập danh sách gửi về Trạm Y tế để lên kế hoạch tiêm. Nhà trường mong rằng, sau khi học sinh được tiêm sẽ tạo miễn dịch cộng đồng, từ đó hạn chế tình trạng lây nhiễm sởi, bảo vệ sức khỏe cho học sinh, yên tâm học tập.
Biểu hiện của sởi là sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác.
Được biết, các trạm y tế sẽ tiếp tục rà soát tất cả trẻ cư trú trên địa bàn, kể cả trẻ vừa theo cha mẹ đến sinh sống, lập danh sách và mời tiêm chủng, tránh tình trạng bỏ sót trẻ.
Hai nhiệm vụ quan trọng trong phòng, chống dịch sởi của tỉnh là tăng miễn dịch trong cộng đồng bảo đảm đạt hơn 95% và bảo vệ trẻ nguy cơ (bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch…). Việc bảo đảm miễn dịch cộng đồng sẽ tạo thành “bức tường chắn” quan trọng, bảo vệ được những trẻ thuộc nhóm nguy cơ chưa được tiêm chủng vì các lý do khách quan. Đây là đối tượng sẽ gặp biến chứng nghiêm trọng nếu mắc bệnh sởi.
Đình Tiến