​Cục Y tế dự phòng đưa ra Khuyến nghị “Hàm lượng natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam”

Ngày 28/3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến nghị hàm lượng natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam.

Trong cơ thể người, natri đóng vai trò quan trọng để điều chỉnh và duy trì cân bằng dịch thể, cân bằng axít – bazơ, dẫn truyền tín hiệu thần kinh – cơ, hỗ trợ hấp thụ các chất dinh dưỡng và bảo đảm chức năng bình thường của tế bào.

Mặc dù natri rất cần thiết đối với cơ thể nhưng rất ít khi bị thiếu mà nguy cơ thường bị tiêu thụ quá nhiều so với nhu cầu cơ thể và gây tác hại đối với sức khỏe. Do natri có chủ yếu từ muối và là yếu tố gây hại cho sức khỏe nếu ăn thừa, là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ, làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và những rối loạn sức khỏe khác.

Ngoài muối, natri còn có nhiều trong nước mắm, nước tương, bột canh, hạt nêm, mì chính (bột ngọt), thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghiệp.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 2.000mg natri/ngày (tương đương với 5g muối/người/ngày) là một mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh không lây nhiễm cho tất cả mọi người.

Trong những năm gần đây, các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính đã gia tăng và trẻ hoá. Bệnh không lây nhiễm là những thách thức chính đối với sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ bệnh không lây nhiễm ở những nước thu nhập thấp và trung bình ngày càng tăng cao. Nguyên nhân quan trọng là do đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa … dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng trong lối sống và chế độ ăn uống của người dân, trong đó có sự chuyển đổi từ thực phẩm truyền thống sang thực phẩm chế biến nhiều chất béo, muối, đường.

Thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn là những nguồn thực phẩm chứa nhiều muối và natri. Tại Việt Nam, mức tiêu thụ thức ăn nhanh đang gia tăng. Thực phẩm và đồ uống là nguồn đóng góp cao nhất (35%) vào chi tiêu lương thực trung bình hằng tháng trong cả nước và bằng 15% GDP cả nước. Một nghiên cứu với 467 người trong độ tuổi 19-39 tại TP.Hồ Chí Minh cho thấy 47% người tham gia thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh và tỷ lệ này cao hơn ở nam giới và thanh thiếu niên (16-24 tuổi ), 47% ở lại nhà hàng bán đồ ăn nhanh hơn 60 phút. Thức ăn đường phố cũng là món ăn phổ biến được tiêu thụ thường xuyên ở các khu vực thành thị với 95,5% người dân ăn thức ăn đường phố. Trong đó, 51% dùng thức ăn đường phố vào bữa ăn hàng ngày và 82% dùng vào bữa sáng. Xu hướng tiêu thụ nhiều các loại thức ăn nhanh là do sự tiện lợi, phục vụ nhanh, chi phí thấp và không mất thời gian chuẩn bị.

Thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến bao gói sẵn thường có nhiều đường, chất béo và natri, các chất này làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.

Việc đưa ra các khuyến cáo hàm lượng natri tối đa trong 100g thực phẩm là hết sức cần thiết nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất áp dụng các biện pháp giảm natri trong công thức chế biến, thay thế natri bằng gia vị khác trong thực phẩm góp phần cung cấp cho cộng đồng sản phẩm thực phẩm ít natri hơn. Qua đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng các thực phẩm giảm natri, góp phần nâng cao sức khỏe, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

Khuyến nghị này dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và kết quả rà soát, khuyến nghị hàm lượng natri tối đa trên 100g thực phẩm đối với 11 nhóm thực phẩm chính và 46 tiểu nhóm thực phẩm phù hợp với danh mục quản lý tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP và các sản phẩm có tại thị trường Việt Nam.

Thanh Trong – CDC Tây Ninh