Rối loạn tiêu hóa ngày Xuân và cách phòng ngừa

Rối loạn tiêu hóa là một loại bệnh phổ biến và thường gặp ở những người có chế độ ăn uống không hợp lý. Nhất là dịp lễ Tết, mọi sinh hoạt, thói quen ăn uống thường ngày bị xáo trộn khiến cơ thể không thể thích ứng kịp, từ đó có thể gây rối loạn tiêu hóa.

Rối loạn tiêu hóa là những thay đổi bất thường xảy ra ở đường tiêu hóa (ống tiêu hoá), từ miệng đến ống hậu môn, làm cho người bệnh có các triệu chứng đường tiêu hóa như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, thay đổi thói quen đi tiêu…

Rối loạn tiêu hóa có thể là biểu hiện của tình trạng bệnh lý đường tiêu hóa nhẹ, hoặc là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa

Có nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng rối loạn tiêu hóa, một số nguyên nhân phổ biến gồm:

– Uống nhiều rượu bia

Vào mỗi dịp lễ Tết nhiều tiệc tùng nên tình trạng uống nhiều rượu bia cũng thường xuyên hơn vì vậy dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

Nếu uống rượu bia liên tục sẽ làm cơ thể mất đi một lượng lớn men tiêu hóa dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, sử dụng thường xuyên gây tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến hội chứng ruột kích thích.

Do đó, sau khi uống rượu bia, người bệnh thường gặp những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, chướng bụng, đầy bụng, đi ngoài phân lỏng vào sáng hôm sau.

– Chế độ ăn không hợp lý

Vấn đề ăn uống không hợp lý cũng thường xảy ra vào các dịp lễ Tết tiệc tùng nhiều. Mâm cỗ ngày tết sẽ nhiều món giầu đạm, nhiều thịt, ít rau xanh nên nếu ăn quá no hay ăn quá nhiều hàm lượng béo, đạm nhưng lại ít rau xanh hoặc các thực phẩm chứa ít vitamin, khoáng sẽ khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn.

Hệ tiêu hóa cũng sẽ hoạt động trì trệ, kém hiệu quả từ đó gây ra nhiều hệ lụy. Tình trạng này gặp cả ở trẻ em, người lớn, người cao tuổi. Tuy nhiên trẻ em hay gặp hơn do trẻ thích ăn các món ăn như đồ chiên, hải sản, bánh kẹo.

Ngoài ra, tình trạng ăn quá no hoặc ăn không đúng bữa hoặc để quá đói cũng thường xuyên xảy ra ở nhiều người nhất là dịp lễ Tết. Nếu thường xuyên bị stress, ăn quá nhanh, quá no, ăn không đúng bữa, các bữa ăn thất thường không ổn định cũng là nguyên nhân gây áp lực cho đường tiêu hóa và cũng là nguyên nhân rối loạn tiêu hóa

– Thức ăn không an toàn và mất vệ sinh

Tình trạng thực phẩm không an toàn, không được bảo quản, mất vệ sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Nhu cầu sử dụng thực phẩm vào dịp lễ Tết tăng cao, nhiều gia đình vẫn mua sắm thực phẩm nhiều nhưng bảo quản không đúng cách dẫn đến tình trạng ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh… nên khi sử dụng sẽ bị rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, nếu dùng thực phẩm không an toàn, còn tồn dư hóa chất bảo vệ rau quả, thuốc kích thích tăng trưởng động vật, thực phẩm chứa các chất phụ gia, chất bảo quản và màu thực phẩm có trong các loại đồ ăn sẵn cũng dễ khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn, thậm chí bị ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh các vấn đề thường gặp trên thì một số người mắc các bệnh lý phải dùng thuốc điều trị dài ngày gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột cũng gây rối loạn tiêu hóa.

Một số người mắc các bệnh lý mạn tính liên quan đến dạ dày, trào ngược dạ dày, thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng… cũng dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề tiêu hóa của cơ thể.

Biểu hiện rối loạn tiêu hóa thường gặp

Khi bị rối loạn tiêu hóa có các biểu hiện như:

– Đau bụng: Khi hệ tiêu hóa có vấn đề thì biểu hiện đầu tiên là người bệnh có cơn đau vùng bụng. Tình tạng đau bụng diễn ra âm ỉ hoặc bộc phát dữ dội. Đau xảy ra ở vùng bụng dưới bên trái, tuy nhiên cũng có khả năng ở những vị trí khác. Một số trường hợp cơn đau có thể lan ra phía sau lưng.

– Đầy hơi khó tiêu: Rối loạn tiêu hóa khiến người bệnh xuất hiện tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Đây là biểu hiện thường gặp nhất nhiều người than phiền khi tới khám với các khó chịu bụng căng to, ợ hơi liên tục hoặc trung tiện nhiều.

– Rối loạn đại tiện: Sau khi có các biểu hiện chướng bụng, đau bụng khó tiêu một số người bệnh có thể xuất hiện tiêu chảy hoặc táo bón. Tình trạng rối loạn đại tiện tiến triển chậm, nhưng với mức độ nặng dần.

Người bệnh thường cảm thấy đau nặng bụng từng cơn, việc đi đại tiện không đều đặn như trước mà có thể tiêu chảy hoặc táo bón và có nhiều trường hợp xen kẽ tiêu chảy và táo bón.

– Ngoài ra, khi bị rối loạn tiêu hóa còn có thể có các biểu hiện khác kèm theo như: ợ chua, đắng hoặc hôi miệng, buồn nôn, nôn ói,…

Cần làm gì để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa?

Để phòng rối loạn tiêu hóa cần có chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng và lựa chọn những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa. Cần thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn đồ quá cay nóng, quá chua, quá nhiều đạm hoặc mỡ.

Cần sử dụng thuốc kháng sinh đúng liều theo chỉ định của bác sĩ.

Hạn chế sử dụng các thức uống có cồn nhất vào dịp lễ Tết, cần ăn uống khoa học. Cần lựa chọn thực phẩm và bảo quản đúng cách.

Thông thường, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa chỉ xảy ra ít và ở mức độ nhẹ nên điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt là sẽ được cải thiện. Khi các triệu chứng kéo dài và nặng hơn như đi đại tiện liên tục hoặc đi đại tiên có máu, phân lỏng rắn xen kẽ, sút cân nhanh,… thì cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

TA
Nguồn: suckhoedoisong.vn